Tổng Hợp Các Loại Măng Trên Thị Trường Hiện Nay
Gọi chung là măng nhưng sự thật thì có hàng chục loại măng và mỗi loại đều có mùi vị khác nhau, giá cả khác nhau và quan trọng hơn hết là cách chế biến từng loại măng cũng khác nhau.
Bài viết tổng hợp các loại măng trên thị trường hiện nay sẽ giúp bạn phân biệt được các loại măng, cách chọn măng ngon, cách chế biến các món ăn từ măng.
Sơ lược các loại măng
Măng là một loại thực phẩm thông dụng đối với người dân Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Măng là một biểu tượng gắn liền với đời sống hàng ngày của chúng ta.
Măng có mặt trong chén cơm vội để ra đồng làm việc, măng có mặt trong những chuyến đi làm xa giữa núi rừng.
Măng có trong bữa ăn hàng ngày, hay trong mâm cơm ngày tết không thể nào thiếu món canh măng.
Măng cũng có thể là thức quà để biếu tặng nhau và cũng dần được coi là đặc sản không chỉ nổi tiếng ở từng vùng miền mà còn vươn xa ra thế giới.
Quen thuộc là vậy nhưng không phải ai cũng biết phân biệt từng loại măng tươi và măng khô loại nào ngon nhất.
Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu các loại măng đang bán trên thị trường hiện nay và thử xem bạn đang ăn hàng ngày là loại măng nào nhé.
MỤC LỤC |
Măng tre
Măng tre là tên gọi chung cho các loại măng mọc từ cây tre: tre gai rừng, tre mỡ, tre la ngà, tre bát bộ...
Nếu tính các loại tre có măng dùng để làm thực phẩm thì tổng số khoảng 26 loài và mỗi loài sẽ có hượng vị đặc trưng khác nhau.
Trong các loại măng tre thì phổ biến nhất phải kể đến là Măng bát bộ.
Đây là loại măng được bày bán hầu hết ở các chợ ở nông thôn và thành thị. Ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hay các vùng lân cận đều xuất hiện loại măng này.
Tổng hợp các loại măng tre
Măng bát bộ là một trong những giống măng được đem trồng, chăm sóc và mang lại giá trị thương phẩm.
Ở một số vùng miền, đây được coi là một loài cây chiến lược giúp tận dụng quý đất rừng và phát triển kinh tế.
Sau hơn 2 năm trồng, những cây măng này sẽ bắt đầu cho thu hoạch và được bán tại các điểm thu mua với giá 4000 đồng tới 5000 đồng 1kg.
Nhờ có những bước đợt phá trong việc giao lưu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, một số loại măng tre từ Đài Loan được nhập về và mang lại kinh tế cao.
Tùy vào sở thích và món mà bạn dự định nấu mà chọn loại măng cho phù hợp.
Nếu bạn chọn mua măng bát bộ dạng măng lá thì nên chọn những ngọn có độ dài vừa phải, hạn chế chọn những ngọn có phần ống quá dài vì măng sẽ bị già.
Nếu chọn mua măng củ, thì nên chọn những phần ngọn đã được gọt sạch, khi sờ vào phần gốc thấy mịn tay, không tạo cảm giác sơ cứng.
Bạn có thể tham khảo bài viết :Cách Chọn Măng Ngon tại đây
Măng bát bộ
Măng Nứa
Đây là loài măng có nguồn gốc từ các rừng nứa, loại này xuất hiện chính vụ là từ tháng 7 cho tới tháng 10.
Đây là khoảng thời gian măng nứa ăn ngon và mềm nhất.
Măng nứa thường có ngọn nhỏ, độ dài từ 6cm tới 10cm, măng có vị ngọt và giòn, khi bóc ra có màu trắng nõn nhìn đẹp mắt, sau khi luộc với nước lạnh sẽ có màu trắng ngà hoặc vàng.
cách chọn măng nứa ngon
Một lưu ý là loại măng này không đặc ruột. Cũng chính vì không đặc ruột, có lỗ trống ở bên trong nên đã tạo ra một món ăn rất nổi tiếng mà các loại măng khác khó có thể làm được, đó chính là măng nứa nhồi thịt.
Măng dùng cho món này thường được chọn những củ to để việc nhồi thịt dễ dàng hơn.
Măng nứa nhồi thịt hấp là một món đặc sản
Nếu bạn dùng măng nứa làm món xào hay nấu canh thì nên chọn những ngọn bé, độ dài tầm nữa gang tay.
Nếu chọn được ngọn măng có cả phần ống và phần lá thì càng ngon, ăn sẽ có cảm giác đậm vị hơn.
Măng Vầu
Măng này xuất hiện thường từ tháng 2 cho tới tháng 3 dương lịch, (sau tết Nguyên Đán).
Vỏ măng có màu tím nhạt, dọc theo thân và phần ngọn có nhiều lông xung quanh dễ bám vào tay, khi đào măng vầu từ dưới đất lên sẽ rất lem luốc do phần đất dính vào lông của vỏ.
Sau khi lột vỏ ra vài tiếng ( từ 3 tới 4 tiếng) thì măng sẽ bị khô, cứng, mất đi độ mềm và ngọt nên măng này thường được bán ở dạng còn cả vỏ.
đặc điểm của măng vầu
Mua măng này khó hơn các loại khác vì còn phần vỏ bao bọc bên ngoài nên khó biết được măng ở bên trong như thế nào, tuy nhiên nếu bạn để ý một tí thì việc chọn măng ngon cũng không phải là khó.
Bạn nên chọn những bụt măng còn ngọn ở phía trên, vừa đảm bảo độ tươi vừa đảm áng chừng được độ già của măng, những đọt măng có độ dài vừa phải và còn nguyên vẹn là sẽ lựa chọn hợp lý dành cho bạn.
Măng vầu có hai loại là măng vầu đắng và măng vầu ngọt, người mua dễ bị nhầm lẫn giữa hai loại này.
Măng vầu đắng thường có màu tím đậm hơn, phần thân giáp ngọn trơn mượt, nếu so về ngoại hình thì măng vầu đắng có ngoại hình bắt mắt hơn.
Nếu bạn muốn ăn loại này thì nên chọn lúc măng nhô lên khỏi mặt đất chưa cao, lúc này măng sẽ ít đắng hơn.
phân biệt măng vầu ngọt và măng vầu đắng
Cùng một kích thước nhưng phần lá trên ngọn của măng ngọt sẽ to và thưa hơn, măng đắng có phần ngọn nhọn và lá xếp dày hơn, các phiến lá cũng không xòe ra như măng ngọt.
Như vậy là bạn đã có thể phân biệt được măng đắng và măng ngọt.
Thêm một điểm phân biệt nữa là măng vầu đắng xuất hiện ở đầu mùa và có trước măng vầu ngọt, nên nếu bạn chọn mua măng vào lúc chính vụ sẽ hạn chế việc mua nhầm hai loại này.
Nói vậy chứ không phải măng đắng mà chê, mỗi loại đều có cái hay riêng của nó, nếu như măng vầu ngọt cho bạn cảm giác như đã cho mì chính vào thì măng đắng lại cho bạn cảm giác nhặn nhặn, đắng đắng và vị ngọt hậu phía sau.
Nếu người chế biến chuyên nghiệp thì chỉ cần bóc phần bẹ non và thái mỏng như sợ miếng sẽ làm cho thực khách vừa cảm nhận đủ vị đắng một cách xao lòng.
Tuy khó lựa chọn và dễ nhầm là thế nhưng Măng vầu cũng được nhiều người ưa thích vì cách chế biến đơn giản, không cần phải luộc trước khi nấu giống như măng tre và măng nứa.
Xào, luộc hay nấu canh, măng này đều đáp ứng được, thậm chí có một món ăn cầu kỳ đó là món măng lá cuốn thịt, rất ngon miệng và độc đáo.
Măng Sặt
Măng này thường xuất hiện vào tháng 3 tháng 4. Măng sặt cũng được coi là đặc sản của núi rừng tây bắc, phân bố chủ yếu ở Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, vùng nhiều nhất là thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Đây cũng chính là loại măng được những thực khách sành điệu đánh giá là một trong những loại măng ngon nhất vì vị giòn, thơm, ngăm ngăm và bùi.
Măng nướng chấm muối ớt
Loại măng này dễ nhận biết vì có kích thước nhỏ hơn các loại măng khác, thân măng thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, măng sặt có phần vỏ chiếm khá nhiều khối lượng. Sau khi tách vỏ ra thì phần bên trong còn lại không là bao nhiêu.
Khác với những giống măng anh em cùng loại, nếu bạn mua để ăn thì nên lựa những ngọn măng sặt càng to càng tốt, nếu nhỏ quá thì phần vỏ chiếm nhiều, ăn sẽ không ngon.
Những bụt măng ở trên mặt đất rất dễ thu hái tuy nhiên đó chưa phải là bụt măng ngon nhất, người dân phải dùng cuốc, dùng dao đào những ngọn măng còn ẩn sâu bên trong lòng đất, sau đó khéo léo tách lớp vỏ với một động tác dùng dao là sẽ hiện ra những bụt măng trắng nõn, mập mạp.
Đó mới chính là hương vị làm bao thực khách xao lòng nếu đã từng thưởng thức măng sặt. Bởi vậy cứ đến mùa là nhiều người lại đi lùng loại măng này cho bằng được. Có những thời điểm 1 kg măng nguyên vỏ cũng đắt ngang 1 kg thịt.
hướng dẫn cách nấu canh măng xương heo
Măng sặt là một trong những loại măng lành tính nên bạn có thể tách vỏ và chế biến ngay mà không cần phải luộc trước.
Măng có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như các loại khác, nhưng có hai món đặc trưng được nhiều người hay làm đó là:
Măng sặt đập dập, ninh với sườn lợn, cho thêm tỏi, cà chua, rau thơm sẽ đem lại hương vị vô cùng thơm ngon, bạn cứ tưởng tượng ở vùng miền núi cao đến giờ cơm với một bát canh măng hầm xương thì còn gì bằng.
Một cách ăn dân giã khác cũng vô cùng thú vị là nướng những ngọn măng sặt rồi chấm với muối ớt trộn chanh, vừa ngọt ngọt, bùi bùi, cay cay thì có ai mà không xao xuyến.
Măng Lay
Măng lay thường xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Măng còn có tên gọi khác là “Nó Lay”, một loại măng mọc tự nhiên ở rừng.
Khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc những bụi Lay trên khắp núi rừng Tây Bắc trồi lên khỏi mặt đất. Từ lâu, măng Lay đã trở thành một sản vật thu hút khách du lịch ở vùng xa khi tới đây.
măng lay chẩm chéo
Măng Lay có đặc điểm thân nhỏ, lá nhọn, mọc thành từng bụi trên những sườn đồi, khe núi của núi rừng.
Để tìm được những ngọn măng này, người dân phải đi hàng cây số đường rừng, trèo đèo lội dốc, ngoài ra còn phải đối mặt với muỗi rừng và vắt.
Bên cạnh đó còn phải cầm theo dụng cụ để khai thác măng như cuốc, dao bên mình nên có thêm phần vất vã.
Trước đây măng Lay chỉ được người dân bản địa thu hoạch làm thực phẩm phục vụ nhu cầu gia đình.
Ngày nay, món măng lay còn xuất hiện ở các nhà hàng, phố thị và được bày bán ở nhiều chợ bản địa để phục vụ khách du lịch.
Măng Lay thường được bán ở dạng nguyên cả vỏ, măng có thể chế biến thành nhiều món như nộm măng, măng hầm giò, vịt nấu măng nhưng cách chế biến măng hấp dẫn nhất vẫn là măng luộc còn nguyên vỏ hoặc nướng nguyên vỏ sau đó chấm với chẩm chéo, bởi vậy người phương xa khi du lịch tới đây đều nhớ tới món “Măng Lay chẩm chéo” là như vậy.
Măng Giang
Măng giang thường xuất hiện vào tháng 8 dương lịch, cũng là thời điểm nhiều loại măng khác mọc lên.
Giang thường mọc ở trong rừng, thường bị các cây khác che khuất nên việc thu hái khá vất vả và tốn thời gian.
Măng giang được đánh giá là ngon hơn măng tre
Đây cũng là loại măng được cho là có vỏ cứng nhất trong họ hàng nhà măng. Khi bổ ra sẽ có nhiều khoang ở bên trong.
Măng càng trưởng thành thì có lớp vỏ càng cứng. Để tiện cho việc chế biến thì quý khách nên lựa chọn những ngọn măng đã được bóc vỏ sẵn, chú ý chọn những ngọn tươi là sẽ được.
Măng giang được đánh giá là ngon hơn măng tre, phần lá măng dày và phần thân có vị đậm đà, dai giòn.
Công thức măng giang nấu miến gà
Măng Lồ Ô
Lồ ô cũng là một loại thuộc họ nhà tre phổ biến ở Việt Nam, chúng thường mọc thành rừng đặc biệt là vùng núi phía bắc và Tây Nguyên.
Đối với đồng bào dân tộc cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng thì cây lồ ô gắn liền với đời sống của người dân và cũng là những người bạn thân thiết.
Từ chiếc gùi, cây nêu, khung dệt vải, cây đàn cho tới vũ khí săn bắt trong rừng, đánh đuổi giặt ngoại xâm, hay sản phẩm của lồ ô là măng lồ ô cũng gắn liền với bữa cơm hàng ngày của người dân nơi đây.
măng lồ ô phổ biến ở Tây Nguyên và Quảng Nam
Măng lồ ô được coi là của để dành chung mà núi rừng mang lại cho nhiều đồng bảo dân tộc nơi đây qua bao thế hệ, không chỉ bởi sự gần gũi gắn bó của măng mà còn là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực mà măng lồ ô mang lại.
Đặc điểm của măng lồ ô là to tròn, đường kính từ 30mm tới 50mm, chiều dài từ 20cm tới 30cm, có những ngọn măng kích thước còn lớn hơn, bên trong có các khoang trống.
Khác với một số giống măng lồ ô ở vùng núi phía bắc, măng ở Tây Nguyên có kích thước nhỏ hơn.
Măng lồ ô cũng có thể làm được nhiều món, như canh măng, măng xào, măng nấu xương nhưng có lẽ người dân ở đây thích nhất là măng luộc.
Vào mùa mưa cũng là lúc nhiều đọt măng đâm chồi mọc lên khỏi mặt đất, bên bát cơm chiều với măng luộc ở trong nhà sàn ngắm mưa, quả thực là chỉ có đến tận nơi trải nghiệm thì mới cảm nhận được hết hương vị và phong vị nơi đây.
Khi chọn măng lồ ô, bạn chú ý chọn những ngọn măng có độ dài vừa phải, hạn chế lấy phần gốc vì nhiều xơ, tùy vào khẩu vị và sở thích của tường người, bạn có thể chọn phần đọt nhiều hơn hoặc phần thân nhiều hơn.
Măng Le
Thời gian xuất hiện của măng trùng với mùa mưa từ tháng 5 tới tháng 10, riêng tháng 9 tới tháng 10 là lúc rộ vụ nhất. Măng Le là diện được liệt vào sản phẩm cao cấp và ngon nhất trong các loài măng tre, măng trúc…
Măng le được lấy từ một loại cây thuộc họ tre nứa là cây le. Loại cây này không có gai, thân rất dẻo, với khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, sức sống bền bỉ, cây có thể lan rộng và sinh trưởng ở nhiều nơi, như người dân hay kể những vùng nào có đất đỏ bazan thì đều xuất hiện loại cây này.
Nói vậy không có nghĩa là vùng núi tây bắc không có nhé, nhưng vùng phân bố nhiều nhất là các tỉnh Tây Nguyên.
măng le được coi là ngon nhất trong các loài măng
Vỏ khi tươi màu xanh nõn, luộc chính màu vàng tươi, đặc ruột, ngọt, giòn, không đắng đã làm cho thực khách phải ấn tượng khi thưởng thức đặc sản này.
Kích thước măng le thường nhỏ, đường kính trung bình từ 2cm đến 4cm. chiều dài từ 5cm cho tới 25cm.
Khi lựa chọn măng le tươi bạn cũng không cần quá lo lắng, vì các phần đều ngon, phần gốc hơi xơ nhưng nhiều người lại thích ăn phần này, nếu nồi măng của bạn có đầy đủ các phần thì sẽ tạo nên hương vị rất đặt trưng.
Măng le sau khi tách vỏ khoảng một đêm sẽ xuất hiện các chấm li ti màu đen, nếu bạn bỏ ngăn mát thì có thể bảo quản được 1 tuần, nếu lấy ra khỏi ngăn mát thì nên chế biến ngay nếu không măng sẽ bị thâm.
Trường hợp bạn muốn gửi tặng măng tươi để làm quà, thì nên mua những ngọn còn nguyên vỏ. Sau thời gian 3 tới 4 hôm măng mới có dấu hiệu thâm ở gốc, bạn chỉ việc cắt bỏ phần này đi là có thể sử dụng bình thường.
Và mình xin tiết lộ thêm măng le rừng sấy khô chính là một trong những mặt hàng đặc sản tây nguyên nói chung và đặc sản Gia Lai nói riêng được nhiều người tìm mua nhất trên thị trường hiện nay.
Ngoài các loại măng kể trên thì còn có măng lưỡi lợn, măng rối, măng mai, măng bương.
Nếu có cơ hội du lịch đến những vùng miền này, bạn hãy thưởng thức những món quà mà thiên nhiên ban tặng nhé. Đừng bỏ lỡ bí kíp chọn măng ngon tại đây